NHỮNG BƯỚC CHUYỂN
Con
đường tìm lại bản thể được các bậc Chân sư nói tới nhiều thế kỷ niềm mơ ước được
làm chủ bản thân. Phải chăng chỉ các bậc Chân sư cao cả mới được hưởng, còn người
xã hội phải chịu đựng khổ đau truyền kiếp ? Tôi nghĩ rằng xã hội rất cần phương
pháp phù hợp để giải phóng những tai ương của họ, dù có tôn giáo hay không tôn
giáo ai cũng cần sống mạnh khỏe bình yên. Tôi đi tìm kiếm khắp vùng miền trí tuệ.Một
vị Thày đặc biệt đã hun đúc cho tôi bản lĩnh tinh thần, chuẩn bị cho tôi bước vào cuộc tìm kiếm, chuyển động không ngừng. Mỗi lời
nói, việc làm của người đều phản ánh phẩm chất trí tuệ minh triết.
Từ nhỏ tôi đã làm quen với sự thay đổi. Thời chiến tranh 1964, tôi đi sơ
tán cùng bà nội về quê nhà ở thôn Hữu
Thanh Oại. Một đứa trê 7 tuổi đã phải bước vào đời sống tự lập, xa bố mẹ, tự lo
học hành, tắm giặt, tự lo cách tránh bom đạn trên đầu. Không có điện, không một
tiện nghi gì. Lại thường xuyên chạy báo động, với những tiếng máy bay ném bom gầm
rú như muốn xé toang bầu trời. Tôi còn nhớ
cảm giác ước ao cái ngày không còn tiếng máy bay loẹt xoẹt trên đầu, để
được đi lại thoải mái, không phải lo chạy ẩn nấp. Nhưng rồi cũng quen hết. Tôi thỏa
sức hòa nhập vào cuộc sống mới rất vui vẻ, chẳng hiểu sao mấy đứa bạn Hà Nội lại
khóc ra rả vật vã như vậy. Một mình tôi đi ra sông Nhuệ tập bơi với chiếc phao
là khúc cây chuối nổi bồng bềnh trơn láng. Tôi bơi lội thỏa thích giữa đám trẻ
con vang tiếng cười reo không dứt. Tôi đắm mình trong thiên nhiên, đầy ắp tiếng
cười với những trò chơi nhiều vô tận: trốn tìm, nhảy dây, đánh bi, đánh đáo, đá
cầu, nhảy ngựa, chơi ù, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, trồng nụ trồng hoa, cắn chắt,
hái lá đoán tên, bịt mắt bắt dê, đua xe đạp, chơi bóng, đánh khăng, đánh đu,
trèo ổi, bơi lội.... Buổi tối hẹn nhau ngồi học nhóm, dưới ánh đèn dầu muội
khói. Tôi móc ra từ hai lỗ mũi những cục nhử mũi đen kít như than. Ngoài
việc học và vui chơi, là đọc chuyện cổ tích Tấm cám, chuyện viễn tưởng của Juyn
Vecnơ, Cuộc phiêu lưu của Caric và Valia. Thám từ Selochom. Túp lều bác Tôm.
Bim trắng tai đen. Nàng tiên cá, chuyện cổ tích Andecxan … Lớn lên đọc những tác phẩm văn học kinh điển thế giới:
Tam quốc diễn nghĩa. Kiều. Ruồi trâu. Chiến tranh hòa bình. Thép đã tôi thế đấy.
Faoxtơ. Nhà thờ Đức bà. Cuốn theo chiều gió. Jên Erơ. Bà Bôvary… Các tác phẩm
văn học kinh điển đã khắc họa hình ảnh những con người có bản lĩnh đáng khâm phục.
Những chất liệu văn học quý báu xây dựng nên đời sống tâm hồn. Hầu hết lứa tuổi
trẻ thời đó đều có hình tượng văn học rất sâu đậm. Ngày nay văn hóa lợi nhuận
đã tước đi sự hồn nhiên của trẻ. Tôi ghi chép lại tuổi thơ đầy ắp tiếng cười của
thời đại chưa ô nhiễm môi trường
Những hàng
ghế đá vững chãi từ thế kỷ trước, chạy dọc bờ sông Nhuệ, do cụ tôi là Đoàn Triển
làm cho dân làng ra sông ngồi hóng mát. Thời đó nông thôn chưa có điện, nên chiều
tối mọi người tụ tập ra bờ sông hóng gió mát, tán chuyện. Ở đây tôi được nghe
những chuyện tiếu lâm Ba giai - Tú Xuất
cười như nắc nẻ. Người lớn trẻ con chia sẻ với nhau niềm vui rất hồn
nhiên. Chuỗi kỷ niệm tuổi thơ như một bản nhạc linh thiêng mỗi khi vọng về cho
tôi niềm phấn chấn. Bây giờ không một đứa trẻ nào dám bén mảng nô đùa với dòng
sông Nhuệ. Hòa bình đã trở lại mấy chục năm thì sông Nhuệ bị bóp chết, nước đen kít và bốc mùi hôi thối.
Hết chiến tranh tôi về Hà Nội với Bố Mẹ. Bố tôi là một chuyên gia hàng đầu
về ngành Hóa Dược, tham gia thời kỳ đầu xây dựng Học viện Quân y 103, và Đại học Dược, Giám đốc xí nghiệp Hóa Dược, Viện trưởng Viện công nghiệp Dược thành phố Hồ
Chí Minh. Nhà đông anh em nhưng ông để
ý tôi nhiều hơn cả, nói với chú tôi :
“Hai anh em mình sinh 8 thằng con trai mới được một mụn con gái”. Nhưng không
chiều chuộng tôi theo kiểu tầm thường muốn gì được nấy. Bố tôi bàn với Mẹ tôi: Phải
rèn rũa các con bằng lao động. Tôi phải lao động cật lực, vừa đi học, vừa làm
thêm hàng may khâu, đan lát áo xuất khẩu, vừa chăn nuôi gà lợn phụ thu nhập cho
gia đình. Khi lớn lên tôi thầm cám ơn sự nhìn xa trông rộng của Bố, đã rèn rũa
cho tôi bản lĩnh không ngại khó khăn gian khổ, không nản lòng trước những khắc
nghiệt của đời sống. Nếu không có sự rèn rũa đó, thì tôi mềm yếu như cây cỏ ven
đường. Người thường nói: "Muốn làm người lương thiện, trước hết phải
có lao động, có nghề nghiệp giỏi. Nếu không giỏi một nghề nào sẽ ngồi nghĩ mưu
mô chiếm đoạt làm hại người
khác".
Một nhà khoa học và lãnh đạo trong thời bao cấp, mà cương nghị không nhờ cậy
ô dù, không phe nhóm thì tất nhiên phải
chịu đựng nhiều khó khăn. Có lúc Bố tôi đã viết Tâm thư bằng máu để khẳng định
quan điểm của mình. Nhưng lạ thay ông không chấp nỗi khổ, mọi nỗi niềm cay đắng
được nuốt gọn hết bằng lời khuyên: “Ném òm xuống sông”. Không ai nghe thấy Bố
tôi than phiền một lời nào về bệnh tật đau nhức hay những nỗi phiền toái gặp phải.
Tôi chỉ thấy Bố tôi nói về những điều hào hứng, thú vị trong cuộc sống. Đi đến
đâu ông cũng để lại ấn tượng trìu mến thú vị. Chỉ đặt mình 3 phút là Bố tôi đã
ngủ say. Nghỉ trưa 20 phút cũng đủ có một giấc ngủ ngon ngáy khò khò.
Bố tôi tỏ rõ phong cách sống không phiền não, không chấp nhận nó được
phép tồn tại trong đầu. Thấy tôi nhạy cảm, hay phiền lòng, Bố tôi thường xuyên
nhắc: “Con phải biết giữ vệ sinh bộ não". Người phản ứng ngay lập tức khi
nhìn thấy con gái có nước mắt: “Con không được bi quan, việc gì khó mấy cũng có
cách giải quyết được”. Lời nói đó trở thành Chân lý. Tôi lần lượt đi qua những
thử thách cam go nhất. Học viên Vô thức cũng vượt qua những khó khăn
nan giải của mình.
Với tầm nhìn xa trông rộng, Người đã dạy tôi về vấn đề ô nhiễm môi trường. Cho tôi biết
các mùi thơm nhân tạo đều là nhóm hóa chất Benzen 6 rất độc hại thần kinh. Phẩm
màu, mì tôm đều không tốt. Mì chính tẩm ướp rán nướng ở nhiệt độ cao rất độc. Nồi chống dính từ
Fluo cũng có độc hại. Bố tôi nói : “Nước mình đang sung sướng được ăn con gà
con lợn tươi ngon nuôi tự nhiên. Các nước họ ăn thức ăn công nghiệp không có gì
ngon cả. Sau này Việt nam cũng như vậy thì khổ ”. Bố tôi cầm một bút từ trường của Mỹ bảo tôi hãy nhìn xem đèn đỏ trong
bút đã bật lên khi lại gần tivi, là có báo động không tốt cho sức khỏe. Rồi Bố tôi cầm bút lùi ra xa hơn mét rưỡi thì có
đèn xanh, báo hiệu an toàn. Từ buổi đó tôi bắt đầu quan sát mối đe dọa vô hình
trong các tiện nghi, thức ăn uống. Đó là một động lực cho tôi sự can đảm phải
tìm ra cách giải ô trược.
Nhờ có bản lĩnh gan góc hiếm có, bố tôi đã vượt qua cái chết trông thấy. Cả
một đời dốc sức làm việc cho sự cống hiến đất nước, khi sắp về hưu thì thân thể
đến hồi tan nát. Bố tôi đau dạ dày 30 năm nhưng chưa bao giờ than phiền về cơn
đau. Không ăn uống tùy tiện, giữ một chế độ ăn cơm nếp, bánh mỳ, và uống sữa,
thuốc Cavét giảm đau. Cho đến khi 57 tuổi, thì chiếc dạ dày nát mủn ngừng hoạt động, bố tôi mới chịu lên
bàn mổ cấp cứu. Bác sĩ cắt chiếc dạ dày thủng lỗ chỗ, tự vá dính vào gan và các
bộ phận khác, nên bác sĩ phải bóc tách rất lâu kéo dài 6 giờ, và cắt hết 5/4 dạ
dày. Thế mới biết Bố tôi đã chịu những cơn đau thủng dạ dày hành hạ suốt 30 năm. Bác sĩ đắp một phần còn lại vào ruột non làm
ra chỗ chứa nhỏ xíu. Đó là một ca mổ vô cùng tài tình của bác sĩ Tịnh ở bệnh viện
Hữu nghị Việt Xô Hà Nội. Bố tôi điều chỉnh chế độ ăn uống với chiếc dạ dày mới
chỉ chứa được 3 thìa cơm, dù đói cũng không được ăn tiếp, phải chia thành nhiều
bữa trong ngày và đêm. Chỉ cần ăn hơn một chút là bục vỡ dạ dày. Cả một trí tuệ
và nghị lực phi thường đã tái tạo một dạ dày mới. Bố tôi tự chăm sóc và điều chỉnh
chế độ ăn của mình, không đòi hỏi ai phục vụ. Nếu không đủ trí tuệ hiểu biết
thì Bố tôi đã chết yểu khi chưa đến 60 tuổi. Vài năm sau ăn được 1 chén cơm, rồi 2 chén cơm như bình
thường. Cách sử dụng thuốc của một vị chuyên gia hàng đầu về thuốc cũng thật ấn
tượng. Bố tôi rất ít khi dùng thuốc, không dùng kháng sinh, nói rằng đấy là của
để dành. Đến lúc cấp cứu gần chết trên bàn mổ Bố tôi mới dùng kháng sinh, đã phục
hồi nhanh hơn người khác, khiến các bác bệnh
nhân ngạc nhiên bàn luận: “Chắc ông ấy nhà thuốc, có thuốc riêng gì đó”. Chỉ trong nhà mới biết bài học quý giá của Bố
tôi. Lần thứ hai Bố tôi nằm bệnh viện cấp cứu tim, hẹp van thất tâm thu, máu tắc
nghẽn cánh tay trái đau tê liệt. Sau 2 lần vào bệnh viện, Bố tôi lựa chọn môn
Thái cực quyền, luyện tập với ý chí phục hồi sức khỏe, nhất quyết không làm phiền
con cháu. Bố tôi nói trước: “Các con rất sung sướng không phải vất vả vì Bố”. Từ
đó cho đến phút cuối đời Bố tôi không lần nào phải vào bệnh viện, trở thành người
tập Thái Cực
quyền giỏi
nhất sân tập quận Phú Nhuận. Nhờ đó tôi biết hiệu quả tuyệt vời của những động tác mềm dẻo thả lỏng. Sau 20 năm chính niệm tập Thái Cực Quyền, Bố tôi
hết mọi bệnh.
Nhiều người nghĩ rằng Bố tôi sẽ
viết sách hoặc xây dựng một công ty Dược phẩm. Nhưng Bố tôi đi vào sự im lặng trọn vẹn với Thái cực quyền. Đó là sự lựa chọn
rất kỳ lạ, sau này tôi mới hiểu: Người đã đi tiếp một thành công lớn nhất, đạt
được siêu thoát nhẹ như cánh én mùa xuân. Năm 84 tuổi, Bố tôi nói thấy người
hơi mệt, tôi đưa Bố đi khám ở Viện lão khoa, bác sĩ kiểm tra sức khỏe nói rằng:
Bác không có bệnh gì, các chỉ số đều tốt. Bố tôi phấn khởi nói rằng: “Đó là sự
kỳ diệu của dưỡng sinh”. Chỉ 10 ngày sau đó Người nhẹ nhàng siêu thoát, không
đau ốm, đúng như dòng chữ Bố tôi đã ghi trong sổ tay dự báo bằng một câu Kiều:
Ngày xuân con én đưa thoi là mở đầu phần hai…Tôi chưa từng thấy lời nào đẹp như
thế diễn tả cuộc ra đi tươi sáng như ngày xuân mới cuộc đời. Bố tôi đã sống tỉnh
thức đến giây phút cuối, suốt đời chưa bao giờ nói một câu mê sảng, và ra đi nhẹ
nhõm như chim én bay. Những ngày cuối đời vẫn đạp xe thể thao, và tự giặt bộ quần
áo bằng tay, không dùng máy giặt. Bố tôi nói rằng: Bố thích làm cho vui.
Đời sống của Bố tôi mang sắc thái Minh triết. Mọi việc làm đều có ý nghĩa
sâu xa, và có Chính niệm, tập trung rất cao vào mục đích. Ông có hoài bão cống
hiến cho lợi ích dân tộc, nên không bao giờ tính kế hưởng lợi riêng,
không phe nhóm, không khom lưng xin xỏ, không phiền não. Đặc biệt tế nhị không bao giờ làm phiền ai, không nóng
giận. Nói theo danh từ Đạo Phật, ông đã buông xả hết, giữ được Tâm Thanh tịnh
ngay giữa hai cuộc chiến tranh khốc liệt. Đến cuối đời Bố tôi nói tóm tắt bằng
một câu "Cả đời Bố không đi xin xỏ thứ gì", là câu nói có sức mạnh sấm
sét.
Tôi được rèn luyện nếp sống Chính niệm
như Bố tôi nói: “Mỗi ngày chỉ nên làm một việc cho tốt, làm nhiều thứ hỏng việc”.
Tư duy “Chỉ một việc cho tốt” lúc nào cũng hiện diện trong đời sống khiến Bố
tôi có sức mạnh gì đó không ai lay chuyển được. Với bản lĩnh chuyên sâu về
nghành Dược, Bố tôi bảo vệ thành công một
dự án khả thi được Liên hợp quốc phê duyệt
tài trợ xây dựng một nhà máy sản xuất
thuốc kháng sinh cho Việt Nam. Bố tôi phấn khởi nói rằng: Bố sẽ đem lại vàng
cho đất nước. Dự án đã triển khai tại thành phố Hồ Chí Minh, rồi bị gác lại vì
lý do thời cuộc. Hoài bão cống hiến của Bố, đã truyền sang tôi.
Bà con trong họ trong làng tin yêu Bố
tôi như điểm tựa niềm tin cuộc sống. Bố tôi gắn bó với quê hương như keo sơn. Đúng như tinh thần cao quý của ông nội Đoàn
Triển đã di huấn cho con cháu phải biết
trân trọng Quê hương là điểm tựa Hạnh phúc của mỗi người. Nếu không có tình yêu
Cội nguồn thì đời người trôi nổi như bèo bọt. Cuốn gia phả “Nhi tôn tất đọc”
(con cháu cần đọc) là một áng văn tuyệt đẹp về tổ ấm Quê hương, của vị quan triều
đình cách đây hai thế kỷ. Từng câu từng chữ của cụ cho đến nay vẫn nóng hổi
thời sự tình người. Tôi ghi lại trong
bài “Cội nguồn Quê hương” ở cuốn sách này. Cụ nói đúng và làm đến cùng. Mỗi năm
cụ đóng góp một công trình mở mang dân trí cho quê hương, xây dựng thư
viện, trường học, nơi hội họp, nơi tế lễ… Cụ viết sách An Nam phong tục sách, là
một tác phẩm quý giá về phong tục tập quán dân tộc Việt nam thế kỷ 18, 19. Một
số nhà sử học, và hán nôm đã dịch tác phẩm của cụ. Một tấm văn bia giản dị của
nhân dân thôn Đông Ngạc, xã Bái Chỉ ghi ơn cụ Đoàn tướng công, là một trong hai
vị quan đã “Một lòng thương dân hết lời bênh vực”. Thật tự hào về thế hệ Cha
ông đã sống và làm việc như thế
Tôi nói từ “kỳ diệu” về Bố tôi, vì không biết từ đâu, Bố tôi tỏa sáng một trí tuệ thông thái đúng cốt lõi
của Đạo Phật, mặc dù tôi chưa nghe thấy Bố tôi nói lời nào về Phật. Tôi đến hỏi
một bác bạn thân của Bố tôi, là Giáo sư bác sĩ Đỗ Doãn Đại, nguyên giám đốc Bệnh
viện Bạch Mai: “Bác có tin rằng sau khi mất 30 ngày, qua một nhà ngoại cảm Bố
cháu đã báo cho cháu: Bố đã về cõi Phật, ở tầng cao”. Bác Đại không ngạc nhiên trả
lời ngay: “Bác tin vì đó chính là con người Bố cháu”
Tôi nhận ra vị Thày đặc biệt là Bố tôi. Người đã bênh vực và dạy bảo tôi bằng
những lý lẽ khúc triết và tình thương vô hạn như một vị Phật. Suốt đời không
bao giờ Người mắng tôi một câu. Những câu nói tự nhiên của Người thấm đượm vào
dòng máu trở thành sức mạnh vô thức chuyển ra hành động đi về phía ánh sáng Nhờ
đó những lời lẽ ba hoa của thế gian không lôi kéo được tôi. Người đã lặng lẽ chuẩn bị cho tôi hành trang trí tuệ và
hun đúc cho tôi một bản lĩnh vượt khó khăn để có thể hoàn thành một việc lớn.
Người nhiều lần nói “Bố Mẹ là bệ phóng cho các con”.
Năm 1993 bước chuyển mình đầu tiên.Tôi thấy cần ổn định kinh tế gia đình, từ
một cô giáo dạy Toán ở một trường Sư phạm, tôi bước ra kinh tế thị trường, sắm
máy móc lao động sản xuất trong nhà. Công việc xuôi sẻ thuận
lợi tiền vào như nước. Sau 4 năm tôi hoàn thành việc tạo đà kinh tế đầy đủ cho
gia đình, tôi buông bỏ việc kiếm tiền, tự nguyện chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu
Năng lượng sinh học từ năm 1996. Một bước chuyển có tầm nhìn thời đại, rất quan
trọng với đời sống hàng triệu người. Bỏ qua tất cả cảnh đời hấp dẫn, tôi bước vào một việc thầm
lặng chỉ mình tôi biết ý nghĩa việc nghiên cứu của mình. Không có lương bổng, không có danh lợi, là điều kiện thuận
lợi cho tôi được tự do trí tuệ, thoát khỏi sự thao túng của tiền bạc, thẳng bước
vào vùng trời sáng tạo. Cái tôi được
hưởng là Trí tuệ mỗi ngày một vững mạnh. Qua gần
10 năm nghiên cứu Năng lượng sinh học, được bài học Tâm linh đầu tiên, tôi thấy khổ đau bao trùm thời mạt pháp, nhiều tà đạo đi reo rắc
ô trược, nhiều hơn nấm mọc sau mưa. Lòng vô cùng đau xót, tôi viết bài cảnh báo
giúp nhiều người tỉnh ngộ cơn mê.
Tôi chuyển hướng tìm Sự thật trong
chính bản thân mình. Một bước chuyển tất yếu của thời đại đang bế
tắc nhiều thứ. Tôi mò mẫm làm lại từ
đầu với nhiều thực nghiệm. Cơ thể tôi là phòng thí nghiệm báo cho tôi biết kết quả sau mỗi sự tác động vào nó. Tôi
đã chứng nghiệm được nhiều kiểu chữa được bệnh, từ năng lượng sinh học, đến chườm muối, xông
hơi, châm điếu ngải cứu, bài thuốc cổ truyền... Nhưng tôi không dừng lại ở việc
chữa bệnh. Muốn làm gì cũng phải được bảo đảm một Trí tuệ sáng suốt, thì con
người mới có Hạnh phúc.
Tôi
bước vào khó khăn tột bực, để tìm những
bí mật phục sinh. Cuối cùng cánh cửa Hà Đào Thành đã bật mở kênh dẫn truyền
Năng lượng gốc, tại giữa đỉnh đầu chúng ta. Năng lượng gốc là hiện thân của sức
mạnh Thiên nhiên hùng vĩ, của các quy luật tiến hóa, chọn lọc bảo tồn, phát triển,
sáng tạo. Nhiều
người đã ứng dụng thành công thay đổi cuộc sống tốt đẹp lên
Cuộc sống hòa nhập
với Thiên nhiên sẽ cho chúng ta tất cả Sức khỏe, An lạc, Hạnh phúc.
Đoàn Thanh Hương.