SUY
TUYẾN YÊN
gây nhiều bệnh lý nghiêm trọng
Chậm tăng trưởng, mất khả năng sinh sản, suy giáp... là những hậu quả
thường xảy ra ở người mắc bệnh này. Bệnh
suy tuyến Yên thậm chí còn bị đe doạ tính mạng, nhất là trường hợp suy
cấp do có khối u lớn.
Tuyến Yên có kích thước gần bằng hạt đậu, nằm ở đáy não, được xương bao
quanh. Tuyến Yên điều hòa nhiều hoóc môn, kiểm soát nhiều chức năng của các cơ
quan trong cơ thể.
Những hoóc môn tuyến Yên có tác dụng
kích thích các tuyến khác trong cơ thể nên hậu quả của bệnh rất nặng nề.
Nguyên nhân gây suy tuyến Yên có thể là
u bướu, viêm nhiễm, tổn thương tuyến Yên hoặc thiếu máu nuôi tuyến Yên.
Bệnh thường xảy ra từ từ, có thể hằng
tháng đến hằng năm, rồi khởi phát triệu
chứng một cách đột ngột. Các triệu chứng ban đầu như mệt mỏi, lạnh, yếu cơ,
ăn không ngon, sụt cân, đau bụng, huyết áp thấp, nhức đầu, rối loạn thị giác.
Phụ nữ thiếu hoóc môn hướng sinh dục do
suy tuyến Yên thường mãn kinh sớm, bốc hỏa, khô âm đạo và đau khi giao hợp.
Người sau mãn kinh thường không có những triệu chứng này, biểu hiện đầu tiên là
nhức đầu và giảm thị lực. Đàn ông than phiền về rối loạn tình dục. Cả 2 giới
đều bị giảm hệ lông.
Những trường hợp thiếu hoóc môn kích
thích tuyến giáp thường không chịu được lạnh, mệt mỏi, mập, táo bón, xanh xao,
da khô và dày. Nếu thiếu hoóc môn kích thích vỏ thượng thận, bệnh nhân thấy mệt
mỏi, yếu cơ, sụt cân, huyết áp thấp, buồn nôn, da xanh, giảm lông ở nữ. Trẻ
thiếu hụt hoóc môn tăng trưởng sẽ bị lùn, chậm phát triển, béo phì, da nhăn
nheo.
Ngoài ra, bệnh nhân suy tuyến Yên còn có
dấu hiệu da khô, xanh xao, thô ráp. Mặt xuất hiện những nếp nhăn nhỏ không do
biểu hiện cảm xúc.
Bệnh lú lẫn Alzheimer
và nỗi lo sợ của tuổi già
Căn bệnh của thế kỷ, Alzheimer là bệnh thoái hóa hệ thần kinh và không thể nào làm hồi phục lại được. Bệnh nhân dần dần sẽ bị mất trí nhớ, thay đổi tâm tánh cùng với sa sút trí tuệ.
Bệnh do Bác Sĩ Alois Alzheimer ( Đức ) tìm ra vào năm 1906 sau khi giải phẫu khám nghiệm một người đàn bà lớn tuổi đã chết vì chứng sa sút trí tuệ.
Đây là một hội chứng phức tạp vì bao gồm nhiều triệu chứng khác nhau như sự mất trí nhớ, mất khả năng phán xét hay lý luận, thay đổi nhân cách hay tâm tánh, cũng như hành động cử chỉ, v.v...
Trải qua nhiều thế kỷ, người ta vẫn thường tưởng rằng những triệu chứng kể trên là những giai đoạn bình thường trong tiến trình của sự lão hóa.
Cho mãi đến ngày nay, khoa học cho biết sự sa sút trí tuệ là hậu quả của nhiều căn bệnh khác nhau, thí dụ như: đứng đầu là Alzheimer, kế đó là tai biến mạch máu não stroke, bệnh Parkinson, bệnh Hungtinton, bệnh Creutzfeldt-Jacob ( còn gọi là bệnh bò điên ), cancer não, chấn thương sọ não. Và cũng là hậu quả của sự lạm dụng rượu hay một vài loại thuốc Tây…
Thống kê cho biết, tại Canada hiện có 300.000 người bị bệnh Alzheimer. Cứ 20 người tuổi trên 65 thì có một người bị bệnh Alzheimer. Theo ước đoán, số bệnh nhân Alzheimer có thể lên đến 3 tới 4 triệu người vào năm 2031.
Hoa Kỳ hiện có 5.3 triệu bệnh nhân Alzheimer. Trong số nầy gồm có 5.1 triệu người trên 65 tuổi và 200.000 người bệnh dưới 65 tuổi.
Alzheimer không những chỉ tàn phá bệnh nhân mà thôi, mà nó còn gây ảnh hưởng nặng nề luôn đến sự sinh hoạt và cuộc sống gia đình của người thân ở chung quanh nữa. Và một gánh nặng về y tế phí
Tại sao có bệnh Alzheimer?
Cho tới ngày nay, các nhà khoa học cũng chưa tìm ra được nguyên nhân thật sự của căn bệnh quái ác nầy. Họ nghi ngờ bệnh có thể là do:
- Một loại virus có biến chuyển chậm ( lentivirus );
- Độc tố từ chất nhôm aluminium;
- Ô nhiễm môi trường ( pesticides, nông dược );
- Do hiện tượng tự miễn autoimmune;
- Do di truyền, nghĩa là đã từng có xảy ra cho một người thân nào đó trong gia đình hay trong dòng họ qua nhiều thế hệ rồi, hoặc nếu cha mẹ mang gène Alzheimer thì con cái có thể có nguy cơ bị Alzheimer sau nầy.
Những giai đoạn của bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer có diễn biến chậm và tuần tự thông qua ba giai đoạn.
1/ Giai đoạn tiên khởi: Kéo dài từ 2 đến 4 năm.
Thỉnh thoảng hay quên việc nầy việc nọ. Bệnh nhân than phiền khó tiếp thu, khó khăn để thi hành theo lời chỉ dẫn. Người bệnh cũng gặp nhiều trở ngại trong cách diễn đạt tư tưởng của họ, không thể tìm ra đúng chữ để sử dụng... Khó phân biệt giai đoạn nầy với giai đoạn lão hóa thông thường, vì bình thường thì người già cũng hay quên những chi tiết nào đó hoặc những chuyện lặt vặt trong sinh hoạt hằng ngày. Thêm vào đó là bệnh nhân không còn nhớ chi tiết việc gì đó từ việc nhỏ tới việc lớn. Và sự mất trí nhớ càng ngày càng tăng thêm theo thời gian và theo sự tiến triển của bệnh.
2/ Giai đoạn trung gian:
Kéo dài từ 2 đến 10 năm. Suy thoái về các khả năng trí tuệ và thể xác. Mất trí nhớ, quên cả quá khứ của mình, quên bạn bè là những ai, hoặc quên luôn người thân. Không thể định hướng trong không gian và thời gian. Một số bệnh nhân quên đường về nhà, hoặc không thể ở yên, cứ đi tới đi lui hay đi lang thang hoặc lai vãng từ chỗ nầy đến chỗ nọ. Gây nhiều khó khăn cho những người chăm sóc bệnh nhân. Rối loạn sử dụng ngôn ngữ, khó khăn trong việc tìm chữ thích hợp để nói, dùng từ không chính xác. Trở nên thù nghịch, chửi thề, đánh cắn, đập phá, hung bạo với người xung quanh, và cả người thân . Giấc ngủ bị xáo trộn. Không thể sống một mình được, cần phải có người săn sóc một cách thường trực.
3/ Giai đoạn cuối cùng:
Thường rất ngắn ngủi, chỉ kéo dài từ 1 đến 3 năm. Hay ngủ suốt ngày hay bất động. Không còn hiểu hay nhớ gì hết. Không còn biết phương hướng. Và cũng không còn nhận được người nhà. Ăn uống không được, hay bị sặc, khó nuốt, bị mất cân và gầy ốm rất nhanh.
Mặt vô cảm không biểu hiện một cảm xúc nào hết. Không quan tâm đến môi trường xung quanh. Mất trí nhớ và mất khả năng trao đổi ý tưởng với người khác… Quên bản thân, không tự săn sóc cho mình được thí dụ như rửa ráy, bận quần áo… Nằm liệt giường, ỉa trây đái dầm. Và cuối cùng thì chết vì bị viêm phổi hay viêm thận hoặc vì chứng bệnh nào khác.
Có 10 dấu hiệu báo trước:
1) Mất trí nhớ ngắn: Không nhớ những việc gì mới xảy ra gần đây. Sự kiện nầy có thể xảy ra cho bất kỳ ai. Đôi khi tự nhiên mình quên phức đi một cái tên, một số điện thoại, v.v..., và họ cứ hỏi đi hỏi lại hoài về một vấn đề mặc dù họ đã được trả lời rồi.
2) Khó khăn trong đời sống hằng ngày: Thí dụ như không thể tự nấu cơm hay tự chuẩn bị một bữa ăn bình thường. Đôi khi làm xong nhưng quên không dọn ra...
3) Khó khăn trong ngôn ngữ:
Quên những chữ rất thường, sử dụng những từ không thích hợp khiến cho không ai hiểu nổi hoặc không có thể gọi đúng tên đồ vật.
4) Mất định hướng trong thời gian và không gian:
Bị lạc lối trên con đường ở từ xưa nay. Không hiểu tại sao đang ở chỗ đó, và không biết lối để trở về nhà.
5) Không biết cách phán xét, phán xét thô thiển
6) Gặp khó khăn trước khái niệm trừu tượng: có thể gặp khó khăn trong việc theo dõi kiểm soát sổ trương mục tiết kiệm của mình. Người bị Alzheimer thì không còn hiểu ý nghĩa các số ghi trong cuốn sổ của họ và cũng không biết họ cần phải làm gì.
7) Để lạc đồ đạc: chẳng hạn như đem cất cái bàn ủi trong ngăn đá của tủ lạnh...
8) Biến đổi tâm tánh và thái độ: người mắc bệnh Alzheimer thì có cảm xúc không ổn định, tâm tánh của họ biến đổi rất mau, từ điềm tĩnh vui cười trước đó thì đổi sang giận dữ khóc lóc chỉ trong vòng đôi ba phút
9) Thay đổi nhân cách: trở nên cau có khó chịu, đa nghi, lo âu, thù địch, kể cả người thân trong gia đình.
10) Mất hết sự ham muốn và sáng kiến:
Tách rời ra khỏi cuộc sống, không muốn tham gia vào bất cứ một sinh hoạt nào hết. Sống thu hẹp lại, không quan tâm đến người hay việc khác…
Có thuốc trị Alzheimer không?
Cho đến nay chưa có một loại thuốc nào có thể chữa hay chặn đứng sự tiến triển của bệnh Alzheimer.
Chỉ có thuốc giúp làm giảm bớt được phần nào các triệu chứng của bệnh, cũng như giúp cho đời sống của bệnh nhân dễ chịu phần nào hơn đôi chút mà thôi.
Có cách nào phòng ngừa không?
Hiện nay chưa có một dược phẩm nào khả dĩ có thể ngừa được bệnh Alzheimer.
Một nếp sống lành mạnh có thể giúp làm giảm nguy cơ xuất hiện bệnh Alzheimer, chẳng hạn như:
+ Phải luôn vận động và linh hoạt trong cuộc sống thí dụ như làm vườn, đi bộ, tập thể dục thường xuyên.
+ Ăn rau củ trái cây tươi đa dạng, sậm màu để có đủ vitamin, cũng như ăn nhiều cá để có chất Oméga-3...
+ Bắt trí não làm việc thường xuyên, bằng cách kích thích não như đọc sách, đọc báo, viết văn, viết báo, gõ bài, chơi đánh cờ, ca hát, xếp ô chữ, v.v…
+ Tránh tình trạng bị căng thẳng tinh thần thái quá
+ Tránh gây chấn thương sọ não;
+ Giữ cho huyết áp, cholestérol và đường huyết luôn ở mức giới hạn bình thường;
+ Giữ tốt đẹp các mối giao tiếp xã hội;
+ Nhảy đầm hay khiêu vũ, dưỡng sinh...
Có rất nhiều thí nghiệm khuyến khích sử dụng các thực phẩm bổ sung và thuốc thiên nhiên như vitamines E, B, acide folique, Selénium, Ginkgo biloba ( bạch quả ), v.v…để ngăn ngừa hay chữa bệnh trạng. Nhưng kết quả không rõ rệt và không chắc chắn cho lắm, cũng như còn thiếu nhiều thí nghiệm lâm sàng.
Nên nhớ là không có thuốc nào có thể chữa bệnh Alzheimer được hết kể cả thuốc thiên nhiên, thuốc Đông y, thuốc Bắc v.v..
Thuốc Bexarotene trị cancer da cho thấy có khả năng cải thiện trí nhớ ở chuột - Có hy vọng gì ở người không? Để có thể đem áp dụng chính thức cho loài người, thì đoạn đường còn rất dài và rất cam go vì cần phải qua nhiều giai đoạn thí nghiệm lâm sàng cũng như cần nhiều thời gian nữa.
( Trích )
Bác sĩ Nguyễn Thượng Chánh
& Dược sĩ Nguyễn Ngọc Lan.
“ Căn bệnh mất trí nhớ Alzheimer là căn bệnh thảm họa ở các nước văn minh tiên tiến nhất, ngày càng tăng. Do sử dụng tiện nghi cao cấp phát sóng độc hại làm suy thoái tuyến Yên. Thuốc men không thể nào làm hồi phục trí nhớ được. Chỉ duy nhất phương pháp Vô thức giải trược não bộ, phục hồi suy thoái tuyến Yên, sẽ phòng tránh ngăn chặn được bệnh Alzheimer”. (Đoàn Thanh Hương)